Thế giới ghi nhận 933.688 ca nhiễm nCoV và 46.869 người chết tại 203 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 79.076 và 4.825 ca so với 24 giờ trước.
Mỹ đến nay báo cáo 213.372 ca nhiễm, tăng 25.200 ca. Số ca tử vong là 4.757 tăng 1.609 ca, mức tăng cao nhất trong vòng một ngày.
Số người chết vì Covid-19 ở thành phố New York, tâm dịch tại Mỹ, tăng vọt lên trên 1.100 khiến các nhà xác bệnh viện bị quá tải, buộc giới chức phải tìm những chỗ trống để bảo quản thi thể. Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) đã phải điều 85 xe đông lạnh tới New York làm nhà xác dã chiến.
Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân nhiễm nCoV tới một bệnh viện ở Paris, Pháp, ngày 1/4. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo về hai tuần " vô cùng đau thương " phía trước khi số người chết vì nCoV tại Mỹ có thể lên đến 240.000. Ông thừa nhận Covid-19 còn tồi tệ hơn cả cúm mùa, cảnh báo đây là dịch bệnh "tàn ác", trái ngược với những tuyên bố trước đó. Tuy nhiên, Trump vẫn lạc quan "sẽ có ánh sáng ở phía cuối đường hầm" và nước Mỹ sẽ được nhìn thấy mọi chuyện "bỗng nhiên tốt đẹp hơn".
Italy phát hiện thêm 4.782 ca nhiễm mới và 727 người tử vong, tổng số người nhiễm và chết lần lượt là 110.574 và 13.155.
Viện Y tế Quốc gia Italy cho hay độ phiên dịch tuổi trung bình của người tử vong là 78,5, với nạn nhân trẻ nhất 31 tuổi và già nhất 103 tuổi. Khoảng 41% số người chết ở nhóm tuổi 80-89 trong khi nhóm tuổi 70-79 chiếm 35%. Dân số già và bệnh viện quá tải là hai trong số các nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở Italy đặc biệt cao.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán Italy đang tiến đến đỉnh dịch. Lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng từ ba tuần trước sẽ có hiệu lực ít nhất tới giữa tháng 4. Thủ tướng Giuseppe Conte thừa nhận các biện pháp hạn chế kinh tế không thể kéo dài quá lâu và có thể nới lỏng lệnh phong tỏa khi số ca nhiễm mới bắt đầu đà giảm.
Tây Ban Nha xác nhận thêm 8.195 ca nhiễm và 923 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt 104.118 và 9.387, vượt qua Trung Quốc để trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới.
Tại thủ đô Madrid, các bệnh viện và nhà xác đều quá tải do số người nhiễm và chết liên tục tăng. Ngay cả khi dịch bệnh đạt đỉnh, áp lực đối với hệ thống y tế sẽ kéo dài thêm ít nhất một tuần nữa hoặc lâu hơn, chuyên gia nhận định.
Madrid đang tìm cách tăng cường xét nghiệm, thu thập nguồn kit từ khắp nơi trên thế giới, với mục tiêu xét nghiệm 50.000 người/ngày, thay vì mức 20.000 hiện nay.
Đức ghi nhận thêm 6.173 ca nhiễm và 156 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 77.981 và 931. Là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, sau Italy và Tây Ban Nha, song tỷ lệ tử vong ở Đức khá thấp, chỉ 1%, dường như nhờ áp dụng chiến lược xét nghiệm diện rộng. Đức cũng có nhiều giường chăm sóc đặc biệt, cùng dịch vụ chăm sóc sức khỏe được nhà nước chi trả.
Chính phủ Đức hôm 28/3 quyết định kéo dài lệnh đóng cửa trường học, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và những hoạt động giải trí khác ít nhất đến ngày 20/4.
Thủ tướng Angela Merkel đã gửi lời cảm ơn người dân vì tuân thủ phần lớn lệnh đóng cửa. "Khi chứng kiến mọi người hầu như thay đổi hoàn toàn cách cư xử, đại đa số thực sự tránh mọi tiếp xúc không cần thiết do nguy cơ lây nhiễm, tôi đơn giản muốn nói cảm ơn các bạn từ tận đáy lòng", bà cho biết.
Anh báo cáo 29.474 ca nhiễm nCoV, 2.352 ca tử vong, tăng lần lượt 4.324 và 563 ca so với một ngày trước đó. Trong số các ca nhiễm có Thái tử Charles , Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock . Thái tử Charles ngày 1/4 thông báo ông đã bình phục nhưng hiện vẫn "cách biệt cộng đồng". Thái tử cũng ca ngợi y bác sĩ và các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch dù chịu căng thẳng và rủi ro nhưng vẫn "tận tâm, hết mình vì nghĩa vụ" để khiến đất nước tự hào.
Tại châu Á, Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai khu vực, sau Trung Quốc, với 47.593 ca nhiễm và 3.036 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 2.988 ca nhiễm và 138 trường hợp tử vong.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei từ giữa tháng 3 đã ban hành sắc lệnh tôn giáo cấm đi lại "không cần thiết" sau khi công chúng nhiều lần bỏ qua những khuyến cáo và yêu cầu từ giới chức và lực lượng an ninh.
Bác sĩ Iran Afruz Eslami tháng trước dẫn nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Sharif, cảnh báo 4 triệu người Iran có thể nhiễm bệnh và 3,5 triệu người sẽ chết nếu công chúng không tuân theo các hướng dẫn phòng Covid-19.
Trung Quốc ghi nhận 35 ca nhiễm nCoV mới, tất cả đều là những ca "nhập ngoại", theo Ủy ban Y tế Quốc gia. Nước này từ ngày 1/4 bắt đầu đưa số ca nhiễm nCoV không triệu chứng vào số liệu thống kê hàng ngày. Những người nhiễm nCoV không triệu chứng cũng sẽ bị cách ly tập trung 14 ngày.
Hàn Quốc hôm nay ghi nhận 89 ca nhiễm nCoV mới, giảm so với 101 ca ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 9.976. Số người chết tăng 4 trường hợp lên 169 ca, với hơn một nửa là các bệnh nhân trên 80 tuổi.
Tại Đông Nam Á , Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 2.908 ca nhiễm và 45 người chết. Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất khu vực với 157 người chết trong 1.677 người nhiễm, tỷ lệ tử vong gần 9,4%.
Tác động kinh tế từ Covid-19 có thể khiến 11 triệu người tại châu Á- Thái Bình Dương lâm vào cảnh nghèo đói nếu không có biện pháp can thiệp và khu vực có thể đối mặt với đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất suốt 20 năm qua, theo báo cáo công bố ngày 31/3 của Ngân hàng Thế giới (WB).
Vũ Hoàng (Theo Worldometer, AFP, Reuters )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét